Cây Bằng Lăng có lẽ ai cũng biết bởi màu hoa tím thân thương của nó. Nhưng ở Tây Nguyên còn có loài Băng Lăng Cườm rất lạ và độc đáo.
Bằng lăng cườm hay còn gọi là bằng lăng ổi vốn là loại danh mộc thuộc nhóm I của Việt nam, khác với các anh em bằng lăng khác, vốn chỉ thuộc nhóm III, Bằng lăng cườm có gỗ đẹp, hoa văn uốn lượn như mây, thậm chí thớ gỗ hơi lấp lánh khi có ánh sáng chiếu trực diện.
Cây phát triển rất chậm, lá nhỏ và hoa rất đẹp với nhiều màu từ tím hồng cho tới trắng hồng, hình dạng giống với hoa Tường vy hơn là hoa các loài bằng lăng khác.
Bằng lăng cườm được phân bố chủ yếu ở Campuchia, Lào, Thailand và Việt Nam.
Cũng như các loài bằng lăng khác, nếu sống ở miền Bắc, hoa sẽ nở vào mùa cuối xuân- đầu hạ, mùa thu lá chuyển màu sang đông lá sẽ rụng hết. Trong khi ở miền nam, cây xanh tốt quanh năm và có hoa vào mùa mưa.
Bằng lăng cườm hiện nay ở Việt nam còn rất ít, không những vì gỗ quí hiếm, mà còn vì vẻ đẹp của hoa, ngay cả những gốc cây bị dị tật còn sót lại của chúng cũng bị đào xới mang về nuôi để làm cây cảnh.
Gốc Bằng lăng cườm thậm chí còn được dùng để ghép mắt hoa Tường vy vốn cùng họ, nhưng lá nhỏ và hoa nhỏ hơn để làm cây cảnh.